Nhật ký của mẹ bầu khi tới những tuần cuối của thai kỳ không thể thiếu đó là danh sách đồ cần chuẩn bị cho mẹ và bé yêu khi đi sinh. Việc chuẩn bị giỏ đồ đi sinh từ trước sẽ giúp mẹ và người thân chủ động hơn. Đồng thời cũng như rút ngắn được thời gian chuẩn bị khi mẹ có dấu hiệu chuyển dạ. Vậy danh sách đồ dùng mẹ cần chuẩn bị trước khi sinh nở gồm những gì? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!
Nội dung
Giỏ đồ sẵn sàng cho mẹ và bé yêu “vượt cạn”
Các mom nên lập danh sách và chuẩn bị đồ đi sinh cần thiết trong thời gian khoảng 2 tháng trước khi sinh để đảm bảo không bị thiếu/sót đồ. Không nên chuẩn bị quá sớm hoặc quá muộn. Vì sớm quá thì đó là thời gian kiêng kỵ theo quan niệm dân gian. Muộn quá thì do gần sát tới ngày sinh, mẹ bị mệt và khó vận động nên không thể suy nghĩ hay mua sắm được. Sau đó mẹ hãy sắp xếp sẵn đồ vào giỏ để đến khi có cơn đau chuyển dạ. Bố hoặc người nhà hoặc chính bản thân mẹ chỉ cần xách giỏ đồ vào viện mà không phải luống cuống mất thời gian.
Giấy tờ cần thiết – Quan trọng nhất trong giỏ đồ khi đi sinh cần chuẩn bị
Đây là mục đầu tiên trong danh sách cần chuẩn bị. Mom chuẩn bị giấy tờ cần thiết muộn nhất là ở tuần thứ 36 của thai kỳ. Vì đây là thời gian làm hồ sơ sinh. Bệnh viện sẽ nhận luôn các giấy tờ cần thiết khi mẹ làm hồ sơ sinh tại bệnh viện. Hoặc yêu cầu mẹ bổ sung muộn nhất khi nhập viện sinh.
Danh mục giấy tờ cần chuẩn bị:
Giấy tờ tùy thân: Chứng minh thư nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế, hộ khẩu thường trú, giấy đăng ký kết hôn. Bố mẹ hãy sẵn bản photo của các loại giấy tờ thành 2 bản để thuận tiện nộp lại lúc làm thủ tục nhập viện và thanh toán viện phí.
Hồ sơ khám thai trong suốt quá trình mang thai:
- Sổ khám thai định kỳ.
- Hồ sơ theo dõi quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.
- Các loại giấy tờ xét nghiệm, siêu âm gần nhất…
Việc nắm rõ tình trạng sức khỏe của bà bầu và quá trình phát triển của thai nhi sẽ giúp bác sĩ trong việc lựa chọn phương án sinh tốt nhất cho mẹ và bé đăc biệt trong trường hợp khẩn cấp.
Đồ cho mẹ
Trang phục cần chuẩn bị sẵn trong giỏ đồ đi sinh:
- Quần áo: Khi mới nhập viên, mẹ sẽ được phát quần áo bệnh nhân. Nhưng mẹ vẫn nên mang theo cho mình từ 1 – 2 bộ đề phòng đồ dơ chưa kịp thay hoặc đồ để mặc xuất viện. Trang phục mang theo nên là loại mỏng nhẹ, rộng rãi và đặc biệt là có nút, thuận tiện cho bé bú.
- Áo choàng, khăn choàng giữ ấm (nếu đi sinh vào mùa lạnh): 2 – 3 cái.
- Áo lót: 3 – 5 cái (áo chuyên dụng cho con bú, loại cúc bấm).
- Quần lót: Quần lót giấy (loại dùng 1 lần): 20 cái (đủ cho cả sản phụ sinh mổ).
- Vớ chân: 4-5 đôi tránh bị lạnh chân.
Băng vệ sinh hoặc bỉm: 6 – 8 cái (dùng loại quần bỉm thì tốt nhất).
Giấy khô: 3 – 4 bịch (dùng lúc chuyển dạ).
Sữa bột cho mẹ.
Vật dụng cá nhân khác cần chuẩn bị trong giỏ đồ đi sinh:
- Khăn mặt, khăn tắm; bàn chải đánh răng và nước súc miệng; mũ để đội đầu khi xuất viện hoặc di chuyển ra ngoài phòng có gió.
- Dép đi trong nhà: để mẹ tập đi lại xung quanh sau khi sinh khoảng vài ngày.
- Chai nước lọc, chậu nhỏ, túi nhỏ để gói đồ bẩn.
Ngoài ra trước khi vào phòng sinh chị em cần tháo hết những trang sức như nhẫn, vòng, khuyên tai, lắc… để cơ thể thoải mái và đảm bảo vệ sinh và an toàn cho bé.
Chuẩn bị đồ đi sinh cho bé yêu
Thông thường, tại bệnh viện mẹ chọn đẻ dịch vụ đều có đồ sử dụng cho con ngay khi vừa sinh xong. Mẹ có thể dùng luôn. Hoặc nếu mẹ muốn chủ động chuẩn bị đồ cho con thì có thể tham khảo list danh sách sau:
Tã lót
Cần 30 cái mỗi loại. Mẹ chọn loại tã 100% cotton, mềm, tránh gây tổn thương da của con.:
- Tã chéo: Trong khoảng 2 – 3 tuần sau sinh, tã chéo dùng để giữ ấm lưng và bụng. Giúp bé ngủ sâu hơn, lâu hơn và ít bị giật mình hơn. Việc quấn tã chéo sẽ giúp bé có cảm giác ôm chặt, an toàn như những ngày còn trong bụng mẹ. Tã chéo sử dụng rất thoáng mông, ko gây hăm tã. Nên chọn tã chéo to để quấn kín cả chân và đùi bé.
- Tã xô thấm hút nhanh; có thể làm khăn lót mông cho bé, khăn vệ sinh, khăn lau…
- Tã giấy: Được dùng lót phân xu cho bé sơ sinh trong những ngày đầu sau sinh để đảm bảo vệ sinh cho bé. Vì bé mới sinh một ngày sẽ đi vệ sinh 8 – 10 lần nên mẹ dùng tã giấy sẽ tiện lợi và tiết kiệm nhất. Bé đi vệ sinh xong, mẹ chỉ việc thay miếng tã mới là xong. Mẹ chọn loại mềm thì có thể đóng hàng ngày cho bé mà không sợ hăm da, giúp bé cảm giác thoáng mát hơn, không bịt kín như bỉm.
Quần áo cho bé sơ sinh
- Quần áo: 5 – 7 bộ size nhỏ, 5-7 bộ size lớn. Khi chuẩn bị đồ đi sinh cho bé, mẹ nên chọn quần áo có chất liệu coton mềm thấm hút mồ hôi nếu vào mùa hè. Vào mùa đông nên chuẩn bị thêm áo gile mặc ngoài cho bé (khoảng 3-5 cái).
- Quần đóng bỉm sơ sinh (7 – 10 chiếc). Mẹ có thể dùng quần đóng bỉm để đóng tã giấy, tã xô hoặc miếng lót sơ sinh, giữ tã ở vị trí cố định. Thiết kế dạng quần, có miếng dán tiện lợi để mẹ dịch chuyển cho vừa vòng bụng của bé. Quần đóng bỉm có thể dùng đi dùng lại rất nhiều lần. Tăng thời gian sử dụng, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho mẹ. Nếu bé tè, mẹ chỉ cần thay tã lót bên trong, không cần phải thay quần bỉm (trừ trường hợp bị ướt hoặc dính bẩn). Nhược điểm là mẹ sẽ mất thêm thời gian giặt giũ nhiều, tuy nhiên sử dụng quần bỉm vô cùng tiết kiệm mẹ nhé. Mẹ nên chọn mua cả size 2 và size 3 để thay đổi theo sự phát triển của bé.
Mẹ có thể mua mới tã, quần áo hoặc xin đồ của các em bé khác để xin “vía” dễ nuôi. Đồ xin lại cũng có tác dụng đó là sẽ mềm hơn, tránh da em bé bị tổn thương.
Vật dụng khác trong giỏ đồ đi sinh
- Bao tay, bao chân: khoảng 5 bộ. Để giúp trẻ giữ ấm và tránh trường hợp trẻ đưa tay lên cào mặt thì bao tay và bao chân là không thể thiếu. Các mẹ nhớ lộn mặt trái và cắt hết chỉ thừa tránh quấn vào ngón tay/ngón chân bé.
- Mũ thóp: 5 – 7 chiếc, loại bằng vải/cotton. Dùng bảo vệ thóp cho bé. Trong 3 tháng đầu mới sinh, thóp của con chưa hoàn thiện hết nên mũ thóp là vật dụng không thể thiếu. Nhiều mẹ mua đồ đang bị bỏ qua món đồ này vì không biết tác dụng của nó.
- Chăn mềm nhỏ: 1 cái.
- Gối: 1 cái gối đầu mềm, thấp; 2 cái gối chặn khi bé ngủ.
- Khăn mềm nhỏ: 1-2 cái, để lót đầu cho bé.
- Lau mặt cho bé: Khăn xô nhỏ: 10 chiếc.
- Khăn xô lớn: 1 – 2 chiếc (thấm nước cho bé sau khi tắm).
- Khăn sữa: khoảng 20 chiếc để lau miệng cho bé và lau ngực cho mẹ.
- Băng rốn: 4-5 cái.
- Rơ lưỡi: khoảng 10 hộp loại rơ lưỡi dùng 1 lần để vệ sinh miệng cho bé.
- Bông gòn vô trùng, bông tăm.
- Nước muối sinh lý dùng để vệ sinh cho bé.
- Phấn rôm hoặc kem chống hăm: dưỡng da, chống hăm cho bé, nên thoa sau khi bé tắm.
- Bình sữa, núm cao su mềm, dụng cụ cọ bình sữa: dùng trong trường hợp bé phải uống sữa ngoài.
- Sữa bột cho trẻ sơ sinh.
- Ly nước nhỏ và muỗng nhựa chịu nhiệt dành cho trẻ sơ sinh.
- Chậu rửa: 2 cái. Một chiếc dùng để rửa mặt, một chiếc dùng để tắm cho con.
Các lưu ý khi chuẩn bị đồ đi sinh
Công tác chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ và bé là quan trọng. Ngoài các vật dụng kể trên, bố và người thân cũng cần bỏ túi một vài lưu ý nhỏ để cuộc đi sinh của mẹ được thuận lợi:
- Tiền mặt: Tuỳ thuộc mẹ sinh thường hay sinh mổ. Nhưng giao động khoảng 12 – 15 triệu đồng (với trường hợp sinh ở khoa dịch vụ tại viện hoặc 6 – 8 triệu đồng (với trường hợp sinh ở khoa thường). Hoặc thẻ ATM trong ví để có thể chi trả viện phí và các chi phí liên quan khác. Tiền để đóng phí tạm ứng và chi tiêu những khoản phát sinh khi nằm viện.
- Tiền lẻ dùng cho việc trả tiền gửi xe, mua nước,…Việc này giúp bố tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi không phải chờ lấy lại tiền dư.
- Điện thoại, sạc dự phòng để có thể liên hệ với người nhà bất cứ khi nào.
- Dụng cụ vệ sinh cá nhân: khăn lau mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kem cạo râu để bố thường trực bên 2 mẹ con thuận tiện hơn.
- Dép hoặc giày thoải mái để di chuyển dễ dàng và nhanh chóng trong viện.
- 2 – 3 bộ quần áo để thay trong trường hợp không có người thân khác trực đổi ca.
- Gối để chợp mắt phòng trường hợp một số bệnh viện không cung cấp dịch vụ ở lại cho người thân.
Tada, với giỏ đồ đi sinh trên là mẹ và bố hoàn toàn yên tâm đón con yêu rồi đó. Chúc các mẹ vượt cạn thành công cùng con!
Trang Anh