You are currently viewing Hồ sơ sinh là gì? Khi nào cần làm hồ sơ sinh?

Hồ sơ sinh là gì? Khi nào cần làm hồ sơ sinh?

Với các mẹ mang bầu lần đầu đều lạ lẫm với thuật ngữ hồ sơ sinh này. Hồ sơ sinh (hss) là một trong những giấy tờ quan trọng các mom cần chuẩn bị trước khi sinh. Vậy hồ sơ sinh là gì? Khi nào cần chuẩn bị hss? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Hồ sơ sinh là gì?

Một hồi loay hoay tìm hiểu, đọc được rất nhiều từ hồ sơ sinh trên các group, diễn đàn và kinh nghiệm từ “đàn chị”, mọi người mách cần làm hồ sơ sinh sớm trước khi sinh. Ban đầu, mình nghĩ hồ sơ sinh là các giấy tờ tuỳ thân. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ mình mới phát hiện ra, định nghĩa như trên là đúng nhưng chưa đủ.

Hồ sơ sinhtập hợp các giấy tờ của mẹ bầu bao gồm: các kết quả khám thai trong suốt thai kỳ, hồ sơ cá nhân của thai phụ và kết quả xét nghiệm bắt buộc cần có.

Căn cứ vào hồ sơ sinh, bác sĩ sẽ có cái nhìn toàn cảnh về tình trạng sức khoẻ thai kỳ của cả mẹ và bé. Đồng thời, có thông tin cá nhân của mẹ để hoàn thiện hồ sơ bệnh án.

Lưu ý: Một số bệnh viện không chấp nhận hồ sơ sinh từ những chỗ khác. Nên các mom cần hỏi kỹ, tránh trường hợp phải làm hss, phát sinh chi phí và mất công làm nhiều lần. Và khi nào xác định được địa điểm sinh mong muốn thì hãy làm hss ở đó.

Quy trình làm hồ sơ sinh cho mẹ bầu

Để làm hss, thủ tục cũng rất đơn giản. Sau khi lựa chọn được địa điểm sinh, mom vào báo với bệnh viện mình muốn làm hồ sơ sinh. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn. Quy trình làm hồ sơ sinh sẽ là:

  • Vào bệnh viện có chuyên khoa Sản.
  • Mua sổ khám bệnh.
  • Nộp hồ sơ cá nhân (kết quả khám thai trong suốt thai kỳ và các giấy tờ cá nhân)
  • Nộp phí khám thai.
  • Đăng ký và làm các xét nghiệm.

Hồ sơ sinh chi tiết của mẹ bầu bao gồm:

Kết quả khám thai trong suốt thai kỳ

Quá trình chăm đi khám (dù ở bất kỳ đâu), các mẹ nhớ giữ lại và mang theo. Sẽ có ích cho các bác sĩ thuận lợi hơn trong việc thăm khám. Và có một số bệnh viện vẫn chấp nhận kết quả khám thai và mẹ không cần làm lại các xét nghiệm đó đâu.

Giấy tờ cá nhân của mom

Giấy tờ cả nhân của mẹ bao gồm:

  • Giấy chứng minh nhân dân.
  • Sổ hộ khẩu.
  • Thẻ bảo hiểm y tế.

Các giấy tờ này là bản photo, mẹ có thể nộp luôn hoặc nộp khi vào sinh.

Kết quả xét nghiệm bắt buộc

Lưu ý trước khi tới làm xét nghiệm

  • Nếu mẹ bầu làm hồ sơ sinh trong tuần thai dưới 28 tuần thì cần nhịn ăn trước 8h để làm xét nghiệm đường huyết. Và chỉ ăn sau khi tiến hành xét nghiệm đường huyết xong. Do vậy, nên mang theo nước lọc, đồ ăn nhẹ để ăn ngay khi khám xong.
  • Mẹ bầu trên 28 tuần thì không cần nhịn ăn.

Chi phí các xét nghiệm giao động từ 1,5 – 1,8 triệu đồng. Nếu mom khám đúng tuyến hoặc có giấy chuyển viện thì sẽ được hưởng BHYT theo quy định.

Các xét nghiệm bắt buộc trong hồ sơ sinh

Khi đăng ký, các mẹ sẽ phải làm các xét nghiệm theo quy định của bệnh viện. Các xét nghiệm đó là:

+ Nhóm máu: xác định nhóm máu, xét nghiệm huyết học đông máu, tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm sinh hóa máu…

+ Vi sinh miễn dịch gồm: xét nghiệm HIV, giang mai, viêm gan B…

+ Vi sinh vi khuẩn: cụ thể là phết âm đạo và trực tràng để tầm soát nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B

+ Sinh hóa nước tiểu.

+ Nghiệm pháp dung nạp glucose ở phụ nữ có thai: Thử đường huyết/test tiểu đường thai kỳ (với thai phụ trong tuần thai 24 – 28).

+ Làm Non-stress test: Đếm cử động và nghe nhịp tim của thai nhi để đánh giá hiệu quả tình trạng sức khỏe của thai.

+ Siêu âm.

+ Nếu thai phụ nằm trong diện có thai kỳ nguy cơ cao thì có thể phải tiến hành thêm 1 số xét nghiệm khác như chọc ối, sàng lọc kháng thể…

Kết quả các xét nghiệm sẽ được trả lại cho thai phụ lưu giữ hoặc bệnh viện sẽ quản lý hồ sơ gốc để theo dõi quá trình sinh sản của bạn khi bạn chính thức nhập viện sinh con.

Mẹ bầu có cần làm hồ sơ sinh trước khi nhập viện sinh con? Khi nào cần làm hồ sơ sinh?

Sau khi biết hồ sơ sinh là gì thì chắc chắn bạn sẽ có câu trả lời, có cần làm hss trước khi nhập viện khi sinh con đúng không? Câu trả lời là mẹ bầu nên và cần làm hồ sơ sinh trước.

Thực tế, từ tuần thứ 36 trở ra, em bé có thể “đòi” ra gặp mẹ bất kỳ lúc nào. Nếu không có hss từ trước đó, nhiều bệnh viện sẽ từ chối nhận mẹ bầu. Có thể do đã quá tải hoặc do không tự tin đảm bảo an toàn cho cuộc vượt cạn của hai mẹ con. Hoặc có những mẹ đợi tới lúc sinh mới vào viện làm hss thì rất mệt, mất sức. Khi bụng to và gần chuyển dạ, mẹ đi lại rất mệt và khó. Các xét nghiệm mẹ bất buộc phải trực tiếp đi làm và mất khoảng 3h mới xong. Vậy nên, mẹ bầu nên chuẩn bị và làm hss trước đó nha!

Một số bệnh viện có dịch vụ theo dõi thai kỳ và làm hồ sơ sinh từ ngoài tuần 20 trở ra. Nhưng có những bệnh viện thì phải từ tuần thứ 36 thì mới nhận làm hồ sơ sinh (ví dụ bệnh viện phụ sản Hà Nội). Vậy nên, khi xác định sinh ở đâu, mẹ bầu hãy hỏi kỹ các bác sĩ tư vấn để đảm bảo làm hss đúng thời điểm. Cá nhân mình nghĩ, tuần thứ 36 cũng là thời gian cuối mẹ nên làm, để lâu hơn, bụng to đi lại khó khăn và con cũng có thể ra bất kỳ lúc nào. Làm sớm các mom sẽ yên tâm hơn.

Hướng dẫn xin giấy chuyển viện để được hưởng bảo hiểm y tế khi làm hồ sơ sinh?

Để được hưởng bảo hiểm y tế khi làm hồ sơ sinh, mẹ bầu cần khám đúng tuyến hoặc có giấy chuyển viện hợp lệ.

Thủ tục xin giấy chuyển viện

Bạn có nhu cầu muốn xin giấy chuyển viện qua bệnh viện:

  • Nếu nơi đăng ký khám chữa bệnh của bạn không có khoa Sản (có khám thai và đỡ sinh em bé) thì bạn hoàn toàn có thể xin giấy chuyển viện.
  • Trường hợp quá trình khám thai cho bạn có phát sinh những bất thường vượt quá khả năng chuyên môn, thì bệnh viện sẽ cho giấy chuyển viện sang bệnh viện chuyên môn hoặc bệnh viện bạn có nguyện vọng.

Quy trình xin giấy chuyển viện

Các mom cần xin giấy chuyển viện thì phải có các loại giấy tờ sau:

  • Chứng minh nhân dân/ căn cước công dân.
  • Thẻ bảo hiểm y tế.
  • Giấy kết uận bệnh của bạn đáp ứngđủ điều kiện để thực hiện việc chuyển tuyến theo như quy định.

Giấy chuyển viện có giá trị sử dụng trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày ký.

Các mẹ lưu ý, đẻ là trường hợp cấp cứu, mom không cần xin giấy chuyển viện vẫn được hưởng BHYT tại bệnh viện trái tuyến với mức hỗ trợ BHYT là 80% (trừ một số nhóm đối tượng đặc biệt được hưởng mức cao hơn).

Những kinh nghiệm nho nhỏ mách mẹ bầu

Mang thai lần đầu, các mẹ đều bỡ ngỡ và nhiều lo lắng. Để có nhiều kiến thức, các mẹ có thể:

  • Tham gia các diễn đàn, hội nhóm của những mẹ bầu để được chia sẻ kinh nghiệm cần thiết.
  • Thực hiện đủ các xét nghiệm mà bệnh viện nơi bạn dự định sinh yêu cầu.
  • Đến bệnh viện sớm, lắng nghe kỹ hướng dẫn của nhân viên y tế.
  • Chuẩn bị sẵn tiền mặt từ 2 đến 3 triệu đồng để nộp phí xét nghiệm hồ sơ sinh.
  • Không ăn sáng để làm xét nghiệm máu như: đường máu, mỡ máu. Nên mang theo thức ăn nhẹ để ăn ngay khi rút máu xong.
  • Đi cùng với người nhà để có người hỗ trợ khi cần thiết.

Bài viết là những kinh nghiệm tìm hiểu cá nhân của mình. Hy vọng có thể hỗ trợ các mom an tâm và có kiến thức “vượt cạn” thành công!

Trang Anh