You are currently viewing Cho ngay các DN đòi giữ bằng gốc vào Black list

Cho ngay các DN đòi giữ bằng gốc vào Black list

“Đây là danh mục hồ sơ cần chuẩn bị để bắt đầu tại công ty, em chuẩn bị nhé!”. “Chị ơi, bằng tốt nghiệp này là em phải nội bằng gốc ạ?”. “Đúng rồi em, công ty sẽ giữ bằng gốc, và trả lại sau khi em nghỉ việc”. Có nên nộp bằng gốc cho công ty không? Nếu gặp phải tình huống như trên, nên xử lý thế nào? Đọc bài viết dưới đây bạn nhé!

Giữ bằng gốc của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền không?

Theo Điều 17, Bộ luật Lao động năm 2019, NSDLĐ không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động.

Điều 17. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

Như vậy, luật quy định rất rõ, việc giữ bằng gốc/ giấy tờ gốc của NLĐ là doanh nghiệp làm sai quy định.

NSDLĐ giữ bằng gốc, sẽ bị xử lý ra sao?

Điều 5 Nghị định 95/2013 NĐ-CP quy định hậu quả pháp lý và biện pháp khắc phục của trường hợp này như sau:

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng; đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;

…….

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

Tại sao các công ty đòi giữ bằng gốc của người lao động?

Những lý do mà doanh nghiệp thường đưa ra khi “muốn” giữ bằng gốc của NLĐ:

  • Muốn nhân viên có trách nhiệm với công ty trong việc bàn giao khi nghỉ việc.
  • Một số công ty hành động như vậy vì sợ NLĐ chuyển sang làm cho các đối thủ cạnh tranh. Nhất là trong các lĩnh vực ngành nghề đòi hỏi có sự chuyên nghiệp như luật sư, kiểm toán, môi giới chứng khoán. Việc giữ bằng cấp như là một ràng buộc người lao động, gây khó khăn cho người lao động khi thực hiện việc chuyển đổi chỗ làm.
  • Công việc liên quan tới tài sản nhiều nên muốn có cơ sở bảo đảm.

Trên thực tế biện pháp này ít mang lại hiệu quả. Mà cho thấy sự yếu kém trong quản trị nhân sự, nắm bắt tâm tư nguyện vọng người lao động. Công ty mình trước đây cũng áp dụng chiêu này nhưng thấy nhân sự vẫn cứ biến động. Bởi vì xu hướng hiện nay, các doanh nghiệp chỉ kiểm tra bằng cấp sau khi đã tuyển dụng.

Điều kiện đầu vào là phải nộp bằng gốc, có nên làm việc tại công ty đó không?

Có nhiều bạn vì khó xin việc, vì mới ra trường … mà vẫn cứ nộp bằng gốc cho doanh nghiệp. Nhưng với góc nhìn của mình, tuyệt đối không nên vào những công ty như vậy. Họ đang không tuân thủ đúng luật trong việc giữ giấy tờ của NLĐ. Chắc chắn, họ cũng có rất nhiều điều quy định trong công ty không đúng luật. Biết sai mà vẫn làm, họ không quan tâm tới NLĐ mà chỉ quan tâm tới lợi ích của họ. Đó chắc chắn cũng sẽ là như công ty trì trệ, không thể nào phát triển lớn được.

Và đương nhiên, luôn kèm theo lời hứa, khi nào nghỉ việc sẽ trả lại cho NLĐ. Tuy nhiên, lời hứa thì vẫn là lời hứa, rất nhiều bạn không thể lấy lại được bằng gốc của mình. Lý do doanh nghiệp đưa ra là: bị mất (?); đợi sau bàn giao, họ kiểm kê tài sản xem có thất thoát gì không….Nhưng hỡi ôi, đợi tới bao giờ? Tấm bằng bạn mất bao nhiêu công sức, tiền bạc và quan trọng, nó là tài sản cá nhân của bạn.

Nếu trót lỡ đưa bằng cho NSDLĐ, làm sao để lấy lại?

NSDLĐ đã làm sai luật, bạn có thể NSDLĐ trả lại giấy tờ cho bạn. Trường hợp đơn vị không thực hiện bạn có thể giử đơn khiếu nại đến Phòng lao động – Thương binh xã hội thuộc UBND cấp huyện. 

Mình hy vọng các bạn sẽ có một quyết định và phương án hiệu quả cho vấn đề này!

Trang Anh