Dù làm bất kỳ công việc gì, việc trình bày, thuyết phục người khác là điều ai cũng phải làm. Vậy làm sao để có kỹ năng thuyết trình hay và thuyết phục? Cùng tham khảo bài viết dưới đây!
Nội dung
Kỹ năng thuyết trình là gì?
Kỹ năng thuyết trình là khả năng chia sẻ, trình bày về một chủ đề cụ thể nào đó trước nhiều người. Người thuyết trình sẽ dùng những lý lẽ và lập luận để thuyết phục, tương tác với người nghe; bằng cách thu thập và giải đáp các câu hỏi phản biện.
Để buổi thuyết trình thành công, các kỹ năng cần có là gì?
Sự tự tin – yếu tố quan trọng nhất khi thuyết trình
Sự tự tin giúp bạn truyền đạt thông tin một cách rõ ràng và chính xác nhất. Khi bạn có đủ sự bình tĩnh và tập trung vào người nghe, bạn sẽ có thể kiểm soát được dòng suy nghĩ của mình tốt hơn. Những người tự tin trong khi thuyết trình cũng sẽ trình bày một cách chậm rãi, dễ hiểu. Đồng thời, có thể lắng nghe và giải quyết những vấn đề mà họ còn đang thắc mắc.
Bạn hãy tập trung vào người nghe, vào những nhu cầu, vấn đề của họ. Và giải quyết chúng một cách ổn thỏa. Khi đó, bài thuyết trình của họ sẽ đi đúng trọng tâm; tập trung vào những thông tin quan trọng nhất thay vì sự lo lắng hay sợ hãi.
Các sự cố bất ngờ về kỹ thuật trước và trong khi thuyết trình; những câu hỏi khó từ khán giả,… là điều không thể tránh khỏi. Sự tự tin cũng sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này một cách khéo léo.
Một ví dụ rất đơn giản là thay vì lo lắng hay xấu hổ vì không thể trả lời một câu hỏi khá lắt léo của khán giả ở phía dưới; bạn có thể xin thông tin liên hệ của họ để gửi lại câu trả lời sau. Khi mà bạn đã có thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng. Cách xử lý những tình huống tương tự như vậy dù đã được nói rất nhiều. Tuy nhiên, nếu không tự tin, bạn sẽ không thể làm được.
Đây là yếu tố quan trọng nhất để bạn có kỹ năng thuyết trình đỉnh cao.
Chuẩn bị bài thuyết trình để kỹ năng truyền đạt được phát huy tối đa
Tìm hiểu thông tin về người nghe
Điều này cho phép bạn hiểu đặc điểm và các yêu cầu của khách hàng. Từ đó, bạn biết cách triển khai các thông điệp. Chẳng hạn, đối với giới phân tích, các số liệu thực tế nên được chứng minh rõ ràng và trình bày nổi bật trong bài thuyết trình.
Với mỗi người nghe khác nhau, cách trình bày và ngôn ngữ bạn lựa chọn cũng phải phù hợp tương ứng.
Nội dung và hình thức bài thuyết trình
Nội dung của bài thuyết trình bạn sẽ trình bày những gì? Mạch chuyện mà bạn muốn nói như thế nào? Bạn muốn mở đầu, kết thúc ra sao. Muốn nhấn mạnh vào điều gì, vào lúc nào. Làm sao để tạo ra được sự lôi cuốn? Nội dung hay cũng là yếu tố quan trọng để kỹ năng thuyết trình của bạn được cải thiện.
Hình thức bài thuyết trình: Hình ảnh là một trong những công cụ có thể giúp cho bài thuyết trình của bạn thêm phần sinh động và thu hút người nghe. Vì vậy, ngoài thuyết trình bằng lời nói thì bài thuyết trình cũng nên xen lẫn phương tiện hình ảnh, biểu đồ,… để tăng tính xác thực cũng như dễ gây chú ý, tạo sự hứng thú khi theo dõi.
Thực hành thuyết trình
Trước khi thuyết trình, bạn nên dành thời gian luyện tập để rèn luyện phong cách thuyết trình. Điều này giúp giảm thiểu căng thẳng, gia tăng sự tự tin, phát hiện và sửa chữa sai sót. Từ đó tránh lặp lại lỗi khi thuyết trình thực tế và nâng cao kỹ năng. Việc nhờ bạn bè, người thân nghe mình thuyết trình và sửa lỗi cũng là một phương pháp hữu hiệu.
Học hỏi, lắng nghe đánh giá và rút kinh nghiệm
Sau mỗi bài thuyết trình, có được ý kiến đóng góp, đánh giá của người nghe là điều hết sức quý giá để bạn có thêm bài học, rút kinh nghiệm cho những lần sau. Đặc biệt, việc học hỏi kinh nghiệm từ những chuyên gia trong lĩnh vực này sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng thuyết trình của mình rất nhanh.
Giọng nói và ngôn ngữ cơ thể trong kỹ năng thuyết trình
Giọng nói của người thuyết trình cần vừa đủ để người ở xa nhất có thể nghe. Không nói quá to hay quá nhỏ, không nói quá nhanh hoặc quá chậm. Giọng nói cần có sự thay đổi tùy từng hoàn cảnh mà có độ cao thấp hay trầm bồng, có điểm nhấn. Phát âm phải chuẩn, rõ chữ, không nhầm lẫn giữa các âm, tránh nói lắp. Sử dụng ngôn ngữ phù hợp với đối tượng nghe.
Quan sát & sử dụng ngôn ngữ cơ thể với người nghe
Hãy quan sát người nghe phía dưới. Cùng tương tác ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể với họ. Bạn hãy cười thật tươi, ngắm nhìn cả hội trường trong khi nói, nhấn nhá lên xuống, biểu cảm cả cơ mặt, di chuyển đều sang hai bên cánh gà, cả phía trên và dưới sân khấu. Sẽ không ai thích nghe và nhìn một bức tượng biết nói, cơ thể lại cứng đơ trên sân khấu.
Tương tác với người nghe
Trong quá trình thuyết trình, đừng biến đó là việc của riêng bạn. Hãy kéo người nghe tương tác với bạn. Có thể bằng cách mời họ tham gia trò chơi, trả lời câu hỏi. Hoặc đặt một vài câu hỏi mở để khán giả tự nói chuyện trao đổi với bạn và với những người xung quanh. Để cuối cùng bạn là người chốt lại vấn đề. Hãy để cho khán giả thấy được bạn có vẻ hòa hợp và gần gũi hơn.
Kết thúc ấn tượng trong kỹ năng thuyết trình
Kết thúc bài thuyết trình một cách đầy ấn tượng và chắc chắn chốt lại vấn đề đã đặt ra. Đừng để buổi thuyết trình của bạn ban đầu nhiệt cao nhưng kết thúc lại giảm nhiệt dần. Hãy đưa ra kết luận cho những vấn đề đặt ra và tiếp tục gắn kết với người nghe trong khi nhấn mạnh những vấn đề quan trọng nhất trong bài thuyết trình. Và đừng quên kêu gọi hành động từ phía người nghe.
Những điều cần tránh khi thuyết trình
- Ăn mặc luộm thuộm không đúng chủ đề.
- Luôn cử động lắc lư, rung chân.
- Thuyết trình như đọc từ văn bản mẫu viết sẵn.
- Slide quá nhiều chữ, dài dòng.
- Không chịu tiếp xúc ánh mắt với người nghe.
- Đứng yên giống như pho tượng.
- Lạm dụng quá nhiều vào slide trình chiếu.
- Nói dông dài không đúng trọng tâm.
Trang Anh