You are currently viewing Đề xuất tăng lương thế nào để được đồng ý?

Đề xuất tăng lương thế nào để được đồng ý?

Lộ trình thăng tiến là một trong những động lực của người lao động. Thăng tiến ở đây có thể là vị trí mới, chức danh mới hay được tăng lương. Có những công ty có lộ trình thăng tiến rõ ràng, có công ty thì chưa có. Vậy khi công ty không có lộ trình thăng tiến rõ ràng về lương, thưởng thì làm sao để đề xuất tăng lương thành công? Cùng tìm hiểu chủ đề này với Trang Anh nhé!

Bạn có thật sự xứng đáng được tăng lương không?

Trước khi đề xuất tăng lương, bạn phải tự đánh giá xem, mình có xứng đáng được tăng lương không? Bởi lẽ, khi đề xuất tăng lương, sẽ có 2 vấn đề xảy ra: hoặc là bạn sẽ được tăng lương hoặc nếu làm không khéo thì bạn sẽ phải chấp nhận ra đi.

Kết quả thực hiện công việc của bạn trong 6 tháng/ 1 năm vừa qua ra sao?

Trước khi gặp sếp để đề nghị tăng lương, bạn nên tự tổng hợp và đánh giá kết quả làm việc của mình. Bạn đánh giá xem kết quả đó đạt bao % so với yêu cầu của công ty, công việc? Nếu công ty không có tiêu chuẩn đánh giá công việc rõ ràng thì bạn có thể đánh giá trên đầu công việc mà mình đã làm.

Nếu bạn đạt khối lượng công việc từ 100% trở lên thì hoàn toàn có căn cứ.

Đánh giá giá trị của bạn trên thị trường

Biết mình biết ta, trăm trận trăm tháng. Hãy làm khảo sát, hỏi bạn bè và vào các website tìm việc và review lương cho các vị trí tương tự với bạn.

Nếu mức lương cho năng lực của bạn trên thị trường cao hơn số bạn đang nhận; vậy là bạn có căn cứ để đánh giá mình có thể được nhận lương cao hơn mức hiện tại.

Nếu bạn có đủ 2 yếu tố trên, mạnh dạn đề xuất xin tăng lương nhé!

salary explorer
Theo khảo sát mới nhất của SalaryExplorer trong năm 2021, mức lương trong lĩnh vực sản xuất tại Hà Nội từ 4.7 triệu tới 31 triệu VNĐ/ tháng.

Chuẩn bị đề xuất tăng lương

Chuẩn bị báo cáo kết quả thực hiện công việc

Hãy trình bày kết quả công việc theo các đầu việc một cách có khoa học, có tổ chức thành một văn bản. Hãy liệt kê càng cụ thể càng tốt. Để thuyết phục sếp, bạn xứng đáng được tăng lương cho những thành tích đó.

Ví dụ như các dự án mà bạn thành công. Và cũng đừng quên gửi sếp các email hoặc thư từ khen ngợi từ cấp trên, khách hàng hay đồng nghiệp dành cho bạn. Điều này giúp cho cấp trên có thể nhìn nhận giá trị thật sự của bạn.

Xác định mức tăng lương hợp lý

Bạn nên chuẩn bị trước mức bạn mong muốn được tăng. Mức này bạn cần phải suy xét thật kỹ lưỡng. Mức tăng hợp lý là mức phù hợp với khả năng của công ty và mong muốn của bạn.

Kinh nghiệm: nếu như bạn thấy rằng giá trị mình làm cần được trả thêm 10% lương nữa, thì bạn có thể đề nghị sếp tăng 15% lương cho mình. Sau đó dần đàm phán về mức lương mà bạn mong muốn. Trong thị trường lao động cạnh tranh, bạn hoàn toàn có thể được tăng lương nếu như bạn là lao động khan hiếm.

thí nghiệm lương
Thí nghiệm lương!

Chuẩn bị phương án trước nếu bị từ chối khi đề xuất tăng lương

Việc được xét tăng lương hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ như ngân sách của công ty hay cấp trên đánh giá năng lực của bạn chưa đủ. Vậy nên, hãy chuẩn bị trước phương án nếu cấp trên từ chối đề xuất này của bạn.

Nhận thêm các đầu công việc khác

Nếu bạn đã làm rất tốt công việc hiện tại của mình, hãy nhận thêm các trách nhiệm khác. Việc này cũng chứng tỏ các khả năng khác của bạn. Đừng chờ đợi người khác giao việc, hãy nhìn xung quanh và tự “xắn tay” vào làm.

Sau đó, nhân cuộc nói chuyện với sếp, hãy chỉ rõ hiện tại bạn đang làm nhiều hơn công việc sếp giao. Và bạn “muốn” được trả lương phụ trội do những việc bạn đang làm thêm. Nếu sếp ngần ngại trước ý tưởng trao cho bạn thêm trách nhiệm (và kèm theo đó là tăng lương), hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhặt dễ nhìn thấy nhất.

Đề xuất tăng lương

Chọn thời điểm thích hợp đề đề xuất tăng lương

Thời điểm là yếu tố quan trọng gần như quyết định bạn có được tăng lương không. Công ty bạn đã có một năm làm việc, kinh doanh thành công? Hay công ty có kế hoạch tăng lương cho nhân viên không? Thời điểm tốt nhất để đề nghị tăng lương là sau khi bạn vừa thực hiện thành công một dự án phức tạp hay các nhiệm vụ khó khăn. Dĩ nhiên bạn cũng nên tránh khoảng thời gian sếp đang bù đầu. Hãy luôn nhớ rằng: Vấn đề tế nhị lương bổng cần được nói vào đúng thời điểm thích hợp. Và là lúc sếp thoải mái nhất. Khi đó, bạn có thể thuyết phục dễ dàng hơn. Vì sếp đang có ấn tượng rất tốt về bạn và đánh giá cao năng lực của bạn.

Nói chuyện cởi mở, lịch sự

Khi nói chuyện với sếp về việc tăng lương, hãy tỏ ra cởi mở, lịch sự và chuyện nghiệp. Đừng quá lo lắng sợ hãi mà bỏ quên tất cả những gì đã chuẩn bị. Bạn nên bắt đầu trò chuyện với câu chuyện về những đóng góp của mình với công ty. Hãy kết thúc bằng câu: “Anh/chị có nghĩ tăng lương cho em lúc này là hợp lý không ạ?”. Đồng thời, nên tránh lối nói kiểu đưa ra tối hậu thư. Không nên nói kiểu tăng lương hay là nghỉ việc; hoặc bất kỳ hành vi mang tính tiêu cực nào khác. 

Trang Anh