You are currently viewing Thay đổi công việc mùa Covid, nên hay không nên?

Thay đổi công việc mùa Covid, nên hay không nên?

Khi công việc không còn đáp ứng kỳ vọng, thay đổi công việc gần như là điều tất yếu của mọi người. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người còn không thể tìm được việc thì từ bỏ một công việc đang ổn định khiến không ít người đắn đo. Nếu bạn nằm trong danh sách này, cùng đọc bài viết dưới đây nhé!

Xác định thay đổi công việc: tại sao & có thật sự cần thiết không?

Dù dịch Covid hay không, khi thay đổi công việc, bạn đều phải làm rõ tại sao và có cần không. Đi làm có những lúc tâm trạng lên xuống thất thường là chuyện cơm bữa. Lý do thì có nhiều, nhưng nó có tới mức bạn phải chuyển việc không?

Vì vậy, tránh quyết định nghỉ việc được đưa ra trong tình huống không sáng suốt; chúng ta cần làm rõ nguyên nhân và mục đích muốn đạt được.

Tại sao phải thay đổi công việc?

Cuộc sống của bạn có sự thay đổi

Công việc là một phần của cuộc sống. Nó tác động và chịu nhiều ảnh hưởng từ những yếu tố xung quanh. Ví dụ khi bạn bắt buộc chuyển chỗ ở tới một địa phương khác, việc đi lại có ảnh hưởng quá nhiều? Hoặc khi bạn lập gia đình, bạn muốn sinh con? … Khi cuộc sống của bạn có sự thay đổi, ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới công việc của mình.

Công việc hiện tại không còn khả năng phát triển

Việc phát triển ở đây bao gồm về năng lực hoặc vị trí. Bạn thấy rằng công việc hiện tại không còn cơ hội thăng tiến cho mình nữa.

Công việc quá nhàm chán/căn thẳng

Công việc không còn một chút thách thức nào cả và ngày càng buồn tẻ. Hoặc công việc quá căng thẳng. Một số công việc vốn đã căng thẳng do tính chất công việc, nay bạn lại càng cảm thấy stress ngoài sức chịu đựng. Và có thể bạn phải tìm sự trợ giúp của thuốc hoặc bác sĩ.

Mức lương quá thấp hoặc bạn muốn kiếm thật nhiều tiền

Bạn biết rằng tiền không phải là yếu tố hàng đầu hấp dẫn bạn đối với công việc. Nhưng khi có được công việc, bạn thấy rằng mức lương hiện tại không làm mình thỏa mãn.

Có thật sự cần thiết phải chuyển việc vì các lý do trên không?

Lý do muốn nghỉ việc của bạn thì có cơ số, nhưng nó có thực sự cần thiết để bạn chuyển việc?

Nên có một kế hoạch đã được vạch sẵn cho sự thay đổi công việc của bạn. Không nên quyết định đột ngột trước khi bạn suy tính lại. Sau khi liệt kê các lý do xong, hãy cân nhắc xem có thật sự nên thay đổi công việc?

Ví dụ: Do mức lương được trả quá thấp so với công sức. Và bạn muốn tìm nơi có lương cao hơn? Thế thì cần so sánh với mức lương ở vị trí tương đương tại các công ty khác trong ngành? Liệu sự chênh lệch có cao hơn 15%? Thường chuyển việc, mức lương kỳ vọng của NLĐ chấp nhận được là 15%. Nếu lương trung bình của ngành tại thời điểm đó thấp hơn mức đó thì không nên chuyển việc. Để lương cao hơn có thể nhảy việc sang ngành khác nhưng bạn có dám thử thách bản thân trong lĩnh vực mới hay không? Trong trường hợp cả ngành đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nên buộc phải giảm lương? Hoặc là khoan thay đổi công việc hoặc thay đổi công việc nhưng chuyển ngành khác.

Thay đổi công việc mùa Covid, cơ hội & thách thức

Cơ hội

Đã đến lúc bạn làm những việc mà mình yêu thích

Bạn đã quá mệt mỏi, nhàm chán với việc ngồi văn phòng gõ từng con chữ mỗi ngày? Bạn cảm thấy bí bách và muốn thoát ra khỏi mớ hỗn độn drama nơi công sở? Vậy thì đã đến lúc bạn thực hiện mơ ước, làm những gì mình yêu thích.

Nhảy việc mùa dịch có thể sẽ là một sự mạo hiểm lớn, có thể sẽ không đáp ứng được nhu cầu về vật chất, lợi ích của các bạn ở thời điểm đó. Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng cuộc sống của bạn sẽ không thể tốt hơn nếu cứ chần chừ, dậm chân tại chỗ và không chịu thay đổi.

Cơ hội việc làm vẫn luôn gia tăng

Theo nghiên cứu từ Adecco Việt Nam thì số lượng việc làm trong tháng 3/2021 đang có dấu hiệu tăng lên (khoảng 40% so với tháng 1). Riêng với số lượng hồ sơ ứng tuyển vào các doanh nghiệp thì tăng lên 26% so với trước đó. Một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, kỹ thuật sản xuất, năng lượng,… vẫn có nhu cầu tuyển dụng vô cùng lớn. Các doanh nghiệp vẫn không ngừng đăng tải thông tin để chiêu mộ nhân tài trong mùa dịch. Cơ hội dành cho các bạn không hẳn là không có, chỉ cần biết nắm bắt thì chắc chắn sẽ có được bến đỗ phù hợp.

Thách thức

Tiêu chuẩn tuyển dụng khắt khe hơn

Do số lượng cần tuyển dụng thấp hơn nên họ sẽ cần tìm kiếm những nhân tài xuất sắc; những người có đủ năng lực để khắc phục tình trạng khó khăn này. Hiển nhiên khi đó các quy chế, yêu cầu tuyển dụng cũng sẽ nghiêm ngặt hơn rất nhiều. Có những nơi sa thải nhân sự không cần thiết, giảm lương đến 70% để có thể duy trì, tồn tại qua mùa dịch. Bởi vậy mà nguy cơ thất nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh này là rất lớn. Hơn nữa, trong mùa dịch này, việc có thể thương lượng mức lương như mong muốn là rất khó. Nhà tuyển dụng sẽ phải đắn đo, suy nghĩ và khó chấp nhận nếu mức lương bạn đưa ra quá cao.

Có thể bạn sẽ thất nghiệp trong một thời gian dài

Chuyển việc là cơ hội để bạn phát triển, nếu bạn là người thực sự có năng lực, chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên, đó cũng có thể là sai lầm khiến bạn rơi vào hố sâu “thất nghiệp”. Nhiều người chưa sẵn sàng thay đổi, chưa định hướng được tương lai, lỗ hổng kiến thức lớn, kỹ năng yếu kém,… nhưng lại quyết định nhảy việc. Kết quả là họ đã phải vật vã cả thời gian dài để tìm, tìm và tìm việc làm.

Cần chuẩn bị những gì khi thay đổi công việc?

Chà, bạn đã quyết định sẽ phải thay đổi công việc. Vậy cần chuẩn bị những gì?

Nên làm gì khi chuẩn bị tìm công việc mới?

Xác định nhu cầu bản thân

Bạn hãy bỏ thời gian nghiên cứu và sắp xếp thứ tự các nhóm yếu tố theo thứ tự ưu tiên. Và sau đó tìm việc. Cứ công việc nào đáp ứng mong muốn của bạn, thì mình lựa chọn. Tránh việc rải đơn dàn trải và lại tìm được công việc không như ý.

Kinh nghiệm của mình khi tìm việc, yếu tố nào lớn nhất để bạn thay đổi công việc thì đó là yếu tố quan trọng nhất. Các yếu tố còn lại có thì càng tốt. Các yếu tố mình liệt kê khi đi tìm việc đó là:

Tổng thu nhập bạn mong muốn.

Quy mô doanh nghiệp.

Khu vực địa lý của công việc.

Cấp bậc/chức vụ công việc.

Báo cáo công việc trực tiếp cho ai.

Tính chất của công việc.

Mô tả công việc.

Lĩnh vực, ngành nghề công việc.

Số lượng nhân sự quản lý (nếu có).

Văn hoá của doanh nghiệp?

…………

Hãy viết ra 1 tờ giấy, và tìm việc theo các tiêu chí này.

>> Tham khảo: Nên chọn công ty lớn hay nhỏ?

>> Tham khảo: Cách ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng khi phỏng vấn tuyển dụng.

Chuẩn bị trước khi chuyển việc

Để tránh gặp phải các rủi ro đáng tiếc khi nhảy việc, các bạn cần phải sắp xếp cho mình một khoảng thời gian để chuẩn bị mọi thứ. Đó là trau dồi thêm các kiến thức, kỹ năng cho công việc mới mà bạn muốn. Điều này sẽ giúp các bạn không bị thụ động, ngỡ ngàng khi tìm kiếm công việc mới. Bạn cũng cần chuẩn bị cả về tinh thần, vật chất cho trường hợp rủi ro nhất khi chuyển việc.

>> Tham khảo cách trả lời phỏng vấn tuyển dụng.

Tìm hiểu kỹ về thị trường tuyển dụng việc làm mùa dịch

 Dịch bệnh căng thẳng chắc chắn sẽ khiến thị trường tuyển dụng việc làm sẽ ít hơn. Thế nhưng, các doanh nghiệp sẽ vẫn hoạt động và nhiều ngành nghề vẫn tuyển dụng nhân sự. Do đó, hãy dành thời gian nghiên cứu thật kỹ công việc mình muốn, hướng đi mới của mình liệu có dễ dàng trong giai đoạn này không? Nếu đặc thù ngành của bạn khó tìm việc, ít nơi tuyển dụng thì nên cân nhắc thật kỹ lưỡng, tránh để bản thân thất nghiệp và ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.

Tìm hiểu thủ tục nghỉ việc ở công ty hiện tại

Bất kể doanh nghiệp nào cũng sẽ có quy định, yêu cầu rõ ràng với nhân viên về vấn đề nghỉ việc. Bởi vậy, khi đã có quyết định tìm kiếm bến đỗ mới, các bạn cần xem lại các thủ tục cần thiết như là: Thời gian cần báo trước khi nghỉ việc là bao lâu? Mẫu đơn xin nghỉ việc như thế nào? Các vấn đề thanh toán lương, thưởng khi nghỉ việc ra sao? Vấn đề liên quan đến bảo hiểm, thủ tục bàn giao công việc, tài sản,… Nắm rõ được những yêu cầu này sẽ giúp các bạn chủ động hơn và tránh gặp phải các trục trặc, khó khăn hay doanh nghiệp gây khó dễ khi nghỉ việc.

Xác định thời gian nghỉ việc

Rất nhiều người thắc mắc rằng “nên nghỉ việc trước hay tìm việc trước?” Thực tế, tùy vào quan điểm của mỗi người mà sẽ đưa ra quyết định khác nhau. Hãy xác định rõ lộ trình từng bước và căn cứ bản thân, thị trường tuyển dụng để đưa ra quyết định. Nếu thị trường nhiều biến động và bạn chưa kịp chuẩn bị về kế hoạch, tài chính, kinh nghiệm, tinh thần thì 100% là không nên nghỉ việc
trước.

Trang Anh