Chế độ tử tuất là một trong những chế có trong bảo hiểm xã hội (cả bắt buộc và tự nguyện). Vậy, điều kiện hưởng, mức hưởng của chế độ tử tuất theo quy định mới nhất như thế nào? Tìm hiểu trong bài viết dưới đây bạn nhé!
Nội dung
Chế độ tử tuất là gì?
Đây là chế độ nhằm bù đắp phần thu nhập của NLĐ dùng để đảm bảo cuộc sống cho thân nhân họ hoặc các chi phí khác phát sinh do NLĐ đang tham gia quan hệ lao động hoặc đang hưởng BHXH bị chết.
Chế độ tử tuất nằm trong những chế độ của BHXH.
Chế độ tử tuất gồm những trợ cấp gì?
Trợ cấp mai táng trong chế độ tử tuất
Đối tượng hưởng trợ cấp mai táng
Khi người lao động chết, người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng.
Điều kiện hưởng trợ cấp mai táng
Những NLĐ thuộc đối tượng sau, khi chế người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp:
– NLĐ đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng mà đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng;
– NLĐ chết chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đã nghỉ việc.
Mức hưởng trợ cấp mai táng
Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết.
Mức lương cơ sở hiện nay (2021) là 1,49 triệu đồng. Nếu người lao động chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng:
10 x 1,49 triệu đồng = 14,9 triệu đồng.
Trợ cấp tuất hàng tháng
Đối tượng hưởng trợ cấp tuất hàng tháng
Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng bao gồm:
- Con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- Mẹ đang mang thai sinh con khi người bố chết thì con được hưởng;
- Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, thành viên khác trong gia đình mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, 55 tuổi trở lên đối với nữ;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, thành viên khác trong gia đình mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Lưu ý
- Ngoại trừ con thì những thân nhân khác phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở (thu nhập này không bao gồm khoản trợ cấp ưu đãi người có công).
- Hiện tại, mức thu nhập phải thấp hơn 1,49 triệu đồng/tháng.
Trợ cấp tuất hàng tháng trong chế độ tử tuất
Điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện của trợ cấp mai táng thì NLĐ còn phải thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì thân nhân mới được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Cụ thể:
- Đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH 1 lần;
- Đang hưởng lương hưu;
- Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Mức trợ cấp tuất hàng tháng
Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở.
50% x 1.490.000 đồng/tháng = 745.000 đồng/tháng
Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.
70% x 1.490.000 đồng/tháng = 1.043.000 đồng/tháng.
Lưu ý:
– Một người lao động chết thì tối đa 04 thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Trường hợp có 02 người chết trở lên thì thân nhân được hưởng 02 lần mức trợ cấp nêu trên.
– Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được thực hiện từ tháng liền kề sau tháng người lao động chết. Trường hợp khi bố chết mà mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hàng tháng của con tính từ tháng con được sinh ra.
Trợ cấp tuất một lần trong chế độ tử tuất
Điều kiện hưởng trợ cấp tuất một lần
Thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần khi NLĐ chết thuộc một trong các trường hợp:
– NLĐ chết không thuộc các trường hợp để thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng;
– NLĐ thuộc một trong các trường hợp thân nhân được hưởng tiền tuất hàng tháng nhưng lại không có thân nhân đủ điều kiện hưởng;
– Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất 1 lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– NLĐ chết mà không có thân nhân (con đẻ, con nuôi, vợ/chồng, cha/mẹ đẻ, cha/mẹ nuôi, cha vợ/chồng, mẹ vợ/chồng hoặc thành viên khác trong gia đình mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng) thì trợ cấp tuất 1 lần được thực hiện theo pháp luật thừa kế.
Mức trợ cấp tuất một lần
Đối với thân nhân của người đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH:
Mức trợ cấp = 1,5 x ML bình quân x Số năm đóng BHXH trước 2014 + 2 x ML bình quân x Số năm đóng BHXH sau 2014
Lưu ý:
– ML bình quân là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
– Thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01 – 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 – 11 tháng được tính là 01 năm. Trường hợp tính đến trước 01/01/2014, nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn từ 01/01/2014.
Đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu:
Mức trợ cấp = 48 x Lương hưu – 0,5 x (Số tháng đã hưởng lương hưu – 2) x Lương hưu
Vậy nếu như NLĐ đang hưởng lương hưu thì mức hưởng của thân nhân sẽ được nhận như sau:
+ Nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng;
+ Nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu;
+ Mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.
Thủ tục hưởng trợ cấp tử tuất
Chuẩn bị hồ sơ
Đối với trường hợp thân nhân của NLĐ đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH:
- Sổ Bảo hiểm xã hội;
- Giấy chứng tử hoặc giấy báo tử (bản sao). Hoặc trích lục khai tử. Hoặc quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (bản sao);
- Tờ khai của thân nhân theo mẫu số 09-HSB;
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Hoặc bản sao giấy xác nhận khuyết tật mức độ đặc biệt nặng.Trường hợp chết do TNLĐ – BNN thì có thêm biên bản điều tra tai nạn lao động hoặc bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp.
- Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.
- Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ trong quân đội có hưởng phụ cấp khu vực theo mẫu số 04C-HBKV (nếu có)
Đối với thân nhân của NLĐ đang hưởng hoặc tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng
- Bản sao giấy chứng tử hoặc giấy báo tử. Hoặc trích lục khai tử. Hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
- Tờ khai của thân nhân theo mẫu số 09-HSB;
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.Hoặc bản sao giấy xác nhận khuyết tật mức độ đặc biệt nặng;
- Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.
Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ: Trong vòng 90 ngày, người thân nộp cho:
- Cơ quan BHXH nếu NLĐ đang hưởng lương hưu, trợ cấp TNLĐ – BNN chết.
- NSDLĐ nếu NLĐ đang đóng BHXH bắt buộc.
Cơ quan BHXH giải quyết: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Giải quyết hồ sơ
Trong 08 ngày, từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH giải quyết và chi trả cho thân nhân của NLĐ.
Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là chi tiết đối tượng, điều kiện và mức hưởng và hồ sơ của chế độ tử tuất. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích với nhiều lao động./.
Trang Anh