You are currently viewing Cách lọc hồ sơ ứng viên nhanh và chuẩn

Cách lọc hồ sơ ứng viên nhanh và chuẩn

Để chọn được ứng viên phù hợp vị trí tuyển dụng, khâu sàng lọc hồ sơ vô cùng quan trọng. Lọc đúng hồ sơ mới có thể phỏng vấn và lựa chọn. Vậy làm sao để lọc hồ sơ ứng viên nhan & chuẩn nhất? Cùng Trangtien tìm hiểu dưới đây nào!

Sàng lọc hồ sơ ứng viên là gì?

Khái niệm

Sàng lọc hồ sơ ứng viên là quá trình xác định xem một ứng viên có đủ điều kiện cho vị trí tuyển dụng không. Sàng lọc hồ sơ nhằm loại bỏ các hồ sơ không phù hợp, không đáp ứng tiêu chuẩn.  Và mới có thể tiến hành các bước tiếp theo của quy trình tuyển dụng.

Như vậy, việc sàng lọc hồ sơ ứng viên sẽ do nhà tuyển dụng lựa chọn; việc lọc hồ sơ có đúng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của người sàng lọc.

Tại sao phải sàng lọc hồ sơ ứng viên?

Lọc hồ sơ giúp nhà tuyển dụng tiết kiệm thời gian, công sức và nâng cao hiệu quả tuyển dụng:

  • Không mất thời gian phỏng vấn, đánh giá các ứng viên không phù hợp.
  • Quá trình tuyển dụng được diễn ra nhanh hơn.

Các tiêu chí sàng lọc hồ sơ

Căn cứ trên bản mô tả công việc & bản tiêu chuẩn với người thực hiện của vị trí tuyển

  • Yêu cầu về học vấn.
  • Về chuyên môn, kinh nghiệm.
  • Yêu cầu về kỹ năng, thái độ, tính cách.
  • Mức lương của vị trí.

Căn cứ trên thông tin nhân sự ghi trên hồ sơ xin việc

  • Thông tin chung: Tuổi, ngoại hình, giới tính…
  • Về trình độ học vấn.
  • Kinh nghiệm làm việc trước đó.
  • Mức lương mong muốn của ứng viên.
  • Cách trình bày hồ sơ xin việc.

Các bước sàng lọc hồ sơ

Thiết lập các tiêu chí sàng lọc

Trước khi sàng lọc hồ sơ của bất kỳ vị trí gì, bạn cần phải “vẽ chân dung” đối tượng cần tìm; thông qua các tiêu chí trong bản mô tả & tiêu chuẩn người thực hiện. Tùy theo vị trí công việc mà các tiêu chí này có thể nhiều hoặc ít và có những điểm khác nhau. Việc này tránh được sai lầm khi đánh giá một cách cảm tính.

Các tiêu chí sàng lọc cần rõ ràng, định lượng được. Xác định những hồ sơ có lỗi gì sẽ bị loại bỏ đầu tiên. Bạn nên đánh dấu các tiêu chí ưu tiên, tiêu chí cơ bản bắt buộc cần có.

Lọc nhanh các hồ sơ không phù hợp

Cách trình bày hồ sơ xin việc

Việc trình bày hồ sơ thể hiện sự cẩn thận, 1 phần đánh giá thái độ của ứng viên. Các ứng viên trình bày cẩu thả, sai lỗi chính tả thì nên loại bỏ ngay. Bố trí CV gọn gàng, câu văn súc tích dễ hiểu, chính tả đúng, nội dung cần thiết đầy đủ là minh chứng tốt cho một ứng viên sáng giá.

Về độ tuổi, giới tính

Phần này khi xây dựng tiêu chí đánh giá, bạn để càng chi tiết thì sẽ càng lọc nhanh.

Ví dụ, vị trí yêu cầu ứng viên không quá 30 tuổi, nữ; bạn có thể loại ngay những nhân sự

Thời gian gắn bó công việc tại mỗi tổ chức

Ứng viên có thời gian làm việc tại các tổ chức liên tục dưới 6 tháng; hoặc làm về nhiều lĩnh vực khác nhau thì cần xem xét. Liệu họ đã có mục tiêu công việc rõ ràng chưa? Hay họ chỉ đơn giản tìm một công việc? Nếu vào công ty mình tình trạng này có tiếp diễn?

Theo quan điểm cá nhân của Trangtien, với các ứng viên này nên loại bỏ luôn. Bởi lẽ, NLĐ mất ít nhất 6 tháng để quen với công việc, văn hoá và có hiệu suất tốt nhất. Nếu họ nghỉ rất mất công đào tạo và tuyển dụng.

Kinh nghiệm làm việc

Vị trí chuyên môn cao thì không thể nào tuyển dụng một nhân sự chưa từng làm về công việc đó. Vậy nên, có thể loại bỏ ngay các hồ sơ này.

Mức lương yêu cầu

Ví dụ ứng viên yêu cầu mức lương từ gấp 2 lần trở lên thì cũng nên xem xét. Vì doanh nghiệp nào cũng có rank lương cho từng vị trí. Mức lương yêu cầu cao quá thì cũng không thể đáp ứng được.

Lọc hồ sơ theo các tiêu chí cơ bản

Bí quyết để tiết kiệm thời gian là bạn nên tập trung đọc phần kinh nghiệm làm việc trước. Nếu ứng viên mới ra trường, chưa đi làm thì có thể xem xét phần các hoạt động trong quá trình học tập, thành tích học tập,…

Nếu hồ sơ không có các yêu cầu đáp ứng tiêu chí tuyển dụng thì bạn nên loại bỏ. Ngược lại, nếu hồ sơ có một số các tiêu chí phù hợp thì bạn nên xếp chung vào một nhóm để chuẩn bị cho các bước tiếp theo.

Lọc hồ sơ trên các tiêu chí ưu tiên

Sau khi lựa chọn được các ứng viên đáp ứng được các tiêu chí cơ bản ở bước trên, nhà tuyển dụng có thể lọc danh sách các ứng viên tiềm năng, ưu tú dựa trên các tiêu chí ưu tiên. Ứng viên sở hữu các tiêu chí này có chất lượng cao hơn.

Các tiêu chí ưu tiên có thể là các kỹ năng nâng cao, các kỹ năng khuyến khích để phục vụ cho công việc. Hoặc tiêu chí ưu tiên cũng có thể là thành tích nổi bật trong công việc. Các tiêu chí ưu tiên giúp bạn có sự so sánh hơn giữa các ứng viên để lựa chọn được ứng viên phù hợp, tiềm năng nhất.

Sàng lọc qua điện thoại

Sàng lọc ứng viên thông qua điện thoại là phương thức tiếp cận trực diện đầu tiên với ứng viên. Khâu sàng lọc ứng viên qua điện thoại còn được coi như phỏng vấn bước đầu để phục vụ cho buổi phỏng vấn trực tiếp.

Các thông tin cần làm rõ:

  • Lý do ứng viên nghỉ việc từ công ty cũ?
  • Ứng viên mong muốn gì từ công việc mới?
  • Mức lương ứng viên mong muốn.
  • Làm rõ về kinh nghiệm trước đây của ứng viên.

Sàng lọc qua bài test

Các ứng viên phù hợp bước đầu, bạn có thể lọc bước cuối qua bài test. Những bài test sẽ giúp bạn đánh giá khả năng làm việc của ứng viên. Các bài test ở đây có thể là về IQ, chuyên môn…

>> Tham khảo thêm các mẫu bài test trong tuyển dụng.

Trong các bước sàng lọc ở trên, theo mình bước thiết lập tiêu chí là quan trọng nhất. Sàng lọc đúng hay không là do bước này.

Phần mềm hỗ trợ lọc hồ sơ

Nếu bạn phải tuyển dụng quá nhiều vị trí cùng lúc hoặc tuyển mass; bạn có thể tham khảo các phần mềm hỗ trợ lọc hồ sơ.

Nền tảng e-hiring (hay còn gọi là ATS – Applicant Tracking System). E-hiring được đánh giá khá cao và sử dụng nhiều trong các doanh nghiệp. Nó sắp xếp tất cả các CV cho từng vị trí ứng tuyển một cách vô cùng khoa học. Ngoài ra, e-hiring còn cho phép một số biện pháp sàng lọc hồ sơ ứng viên tự động bằng các từ khoá nhất định.

>> Tham khảo thêm các phần mềm quản lý tuyển dụng.

Lưu ý

Ngoài ra, một số mẹo nhỏ sau giúp bạn sàng lọc hồ sơ ứng viên nhanh chóng và hiệu quả:

  • Dành ít thời gian để sàng lọc ra các ứng viên không phù hợp (giai đoạn 1), và dành nhiều thời gian đánh giá các ứng viên có nhiều khả năng thành công nhất (giai đoạn 2).
  • Không đánh giá dựa trên “bề nổi”. Nghĩa là sẽ có ứng viên“trông vậy chứ không phải vậy”. Các ứng viên tốt nghiệp từ lĩnh vực kỹ thuật thường không trình bày hồ sơ “mướt mát” như các ứng viên tốt nghiệp từ các ngành xã hội. Vì vậy bạn cần tìm hiểu thật kỹ điều cốt lõi là thành tích của ứng viên.
  • Yêu cầu ứng viên cung cấp tất cả thông tin được yêu cầu trong tin đăng tuyển. Bằng cách này, bạn sẽ sàng lọc tự nhiên nhất, không tốn công sức, bởi khi cung cấp thông tin, nếu không thể cung cấp đầy đủ, ứng viên sẽ tự rút lui.
  • Tránh so sánh các ứng viên với nhau. Điều bạn cần làm là so sánh ứng viên dự tuyển với tiêu chuẩn của ứng viên lý tưởng để tìm ra người phù hợp nhất.

Chúc bạn chọn được ứng viên phù hợp nhất sau khi tham khảo xong bài này./.

Trang Anh