You are currently viewing Lương ngừng việc do dịch Covid NLĐ được trả khi nào?

Lương ngừng việc do dịch Covid NLĐ được trả khi nào?

Covid 19 là đại dịch toàn cầu. Toàn thế giới đang trong bối cảnh sống chung cùng nó trong thời gian là không xác định. Tại Việt Nam, NLĐ ngừng việc do Covid đã và đang xảy ra hầu hết các doanh nghiệp. Vậy nhà nước quy định như thế nào về lương ngừng việc do Covid cho người lao động? Cùng xem thông tin mới nhất nhé!

Ngừng việc do dịch Covid là gì?

Khái niệm

Ngừng việc do dịch Covid là trường hợp NLĐ không thể làm việc do liên quan tới dịch Covid.

Căn cứ xác định lý do ngừng việc

Lương ngừng việc được tính trả cứ vào quy định tại điều 99 của bộ luật Lao động; xác định ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, hay NLĐ, hay do nguyên nhân khách quan. Đối với trường hợp NLĐ phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19; tiền lương của NLĐ trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 điều 99 của bộ luật Lao động.

Các trường hợp ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid

Theo văn bản số 264/QHLĐTL – TL V/v trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid 19, ban hành ngày 15/07/2021 của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội; có 4 trường hợp NLĐ được trả lương ngừng việc. Các lý do ngừng việc đó là:

  • NLĐ phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
  • Nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
  • Doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
  • Doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

Người lao động được trả lương như thế nào trong thời gian ngừng việc do dịch Covid?

Quy định về mức lương, thời gian hưởng lương trong thời gian ngừng việc do dịch Covid được quy định cụ thể trong văn bản số 264/QHLĐTL – TL. Tải văn bản tại đây.

Chi tiết:

Thời gian hưởng lương

– Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống;tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.

– Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc; tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận. Nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Mức lương hưởng trong thời gian ngừng việc

Áp dụng mức lương tối thiểu vùng năm 2021 (theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP):

  • 4.420.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
  • 3.920.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
  • 3.430.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
  • 3.070.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Một vài câu hỏi về vấn đề tiền lương của người lao động liên quan tới dịch Covid

Doanh nghiệp có được giảm lương khi NLĐ làm việc tại nhà trong thời gian dịch Covid?

Theo quy định tại Điều 95 Bộ luật Lao động 2019 về việc trả lương cho NLĐ thì:

“Điều 95. Trả lương

1. Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.”

Như vậy, việc trả lương cho NLĐ căn cứ vào tiền lương thỏa thuận, năng suất và chất lượng thực hiện công việc. Không căn cứ vào địa điểm làm việc. Do đó, nếu NLĐ có năng suất và chất lượng công việc bằng hoặc tốt hơn so với năng suất và chất lượng khi làm tại doanh nghiệp thì doanh nghiệp không được giảm lương của NLĐ; mà phải trả đầy đủ lương cho NLĐ theo thỏa thuận.

Doanh nghiệp có được trả lương trễ vì lý do Covid?

Nguyên tắc trả lương cho NLĐ được thực hiện theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể:

Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.

Như vậy, doanh nghiệp có nghĩa vụ trả lương đúng hạn cho NLĐ. Trường hợp vì lý do bất khả kháng thì doanh nghiệp được quyền trả lương chậm nhưng không quá 30 ngày.

Lưu ý: Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì doanh nghiệp phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người doanh nghiệp mở tài khoản trả lương cho NLĐ công bố tại thời điểm trả lương.

NLĐ không thể trực tiếp nhận lương do dịch Covid nên doanh nghiệp có quyền không trả lương hoặc giam lương?

Theo khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 thì trường hợp NLĐ không thể nhận lương trực tiếp thì doanh nghiệp có thể trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp. Ngoài ra, nếu NLĐ không thể trực tiếp nhận tiền lương bằng hình thức tiền mặt thì doanh nghiệp có thể trả lương qua tài khoản ngân hàng theo quy định tại khoản 2 Điều 96 BLLĐ 2019./.

Trang Tiên