You are currently viewing Những sai lầm trong tuyển dụng thường gặp

Những sai lầm trong tuyển dụng thường gặp

Việc tuyển dụng là cả quá trình dài với nhiều khâu. Rất nhiều sai lầm trong tuyển dụng có thể xảy ra nếu bạn không tuân thủ các nguyên tắc. Đôi khi sai lầm đó là vô tình hoặc cố ý. Vậy, có những sai lầm gì trong tuyển dụng? Làm sao để hạn chế điều đó? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tuyển dụng là quá trình tìm kiếm và tuyển chọn những người có đủ năng lực đáp ứng một công việc nhất định. Quá trình tìm kiếm, tuyển chọn này trong doanh nghiệp thường xảy ra những sai lầm sau:

Không trao đổi thông tin trong tuyển dụng giữa các bộ phận liên quan

Sai lầm này gặp phải ở tất cả các doanh nghiệp trong tuyển dụng. Việc tuyển dụng là tìm người phù hợp: với công việc, với văn hoá và với lãnh đạo đơn vị. Về văn hoá, bộ phận tuyển dụng làm việc tại đơn vị, đương nhiên hiểu văn hoá tổ chức. Hợp với công việc là căn cứ trên bản mô tả công việc. Bản chất, bản mô tả công việc cũng do đơn vị sử dụng nhân sự đó xây lên. Vậy nên, để tuyển  được người phù hợp, gắn bó với DN; chắc chắn không thể thiếu việc làm rõ về công việc, yêu cầu giữa bộ phận tuyển dụng và đơn vị sử dụng nhân sự.

Trao đổi giữa 2 bên giúp bộ phận tuyển dụng hiểu rõ hơn về công việc, về mức độ ưu tiên các tiêu chí. Đồng thời, 2 bên thống nhất các bước trong khâu tuyển dụng. Từ đó, việc lọc hồ sơ và phỏng vấn sẽ hiệu quả hơn. Và sẽ tránh được sai lầm trong tuyển dụng là tuyển người không phù hợp.

Khi làm việc với đơn vị, cần lưu ý:

  • Không phải mọi yêu cầu của đơn vị sử dụng nhân sự đều được đáp ứng. Căn cứ để tuyển vẫn phải trên quy định của mô tả công việc.
  • Nếu các tiêu chí đơn vị yêu cầu không phù hợp; cần tư vấn và làm rõ ngược lại để đơn vị hiểu.

Không có kế hoạch tuyển dụng cụ thể, rõ ràng

Lập kế hoạch là điều kiện tiên quyết để thành công trong việc xử lý tất cả vấn đề. Nếu lập kế hoach, bạn sẽ tránh được sai lầm trong tiến độ, kênh sử dụng, đối tương tuyển dụng… Việc lập kế hoạch phải đủ ít nhất các yếu tố:

  • Các thông tin về vị trí, yêu cầu, mức lương? “Chân dung” ứng viên cần tuyển dụng?
  • Kênh đăng tuyển nào phù hợp với vị trí đang tuyển dụng?
  • Số lượng hồ sơ đạt cần để phỏng vấn tối thiểu là bao nhiêu?
  • Quy trình phỏng vấn cho vị trí này là gì?
  • Các yếu tố cần chuẩn bị: phòng ban liên quan, bài test…
  • Thời gian thực hiện của từng bước là bao lâu…..

Sai lầm trong chọn kênh tuyển dụng

Đây là sai lầm xảy ra khi bạn không lập kế hoạch trong tuyển dụng. 2 tình huống bạn có thể gặp phải: bạn cứ mãi đăng tuyển trên các kênh thường dùng; hoặc đăng tuyển ở khắp mọi nơi một cách tuyệt vọng. Trong trường hợp đầu tiên, bạn đang thu hút cùng một đối tượng hết lần này tới lần khác. Trong tình huống còn lại, bạn có thể đang lãng phí thời gian trên các nền tảng không phù hợp.

Dưới đây là một số điều bạn có thể làm:

  • Xem xét lại các các nhân viên mà bạn đã thuê trước đây; xác định những kênh tuyển dụng hiệu quả nhất để tập trung vào chúng sau này.
  • Nếu bạn chưa thực hiện thì hãy thiết lập chính sách giới thiệu nhân viên nội bộ. Đây được xem là cách tốt nhất để tuyển dụng.
  • Tận dụng sự hiện diện trực tuyến của bạn để tìm những ứng viên vốn đã quan tâm đến doanh nghiệp của bạn.
  • Suy nghĩ về nơi khách hàng tiềm năng của bạn có khả năng tìm kiếm việc làm. Giả sử, nếu bạn đang tìm kiếm các vị trí không yêu cầu kinh nghiệm; hãy kết nối với các trường đại học và các tổ chức sinh viên nổi bật để tiếp cận những sinh viên xuất sắc vừa tốt nghiệp.
  • Tiếp cận những ứng viên thụ động – những người có đủ năng lực nhưng không chủ động tìm việc. Rất khó để xác định nguồn ứng viên và tuyển dụng đối tượng này vì họ vốn đang hài lòng với công việc của mình. Vì vậy hãy cân nhắc sử dụng dịch vụ tuyển dụng.

Hạn chế về đối tượng tuyển dụng

Sự đa dạng về tuổi tác, giới tính, kinh nghiệm, tính cách, nền tảng của nhân viên sẽ mang lại sự đa dạng trong tư tưởng và suy nghĩ. Điều này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp sáng tạo hơn, thành công hơn, duy trì được sự phát triển và tăng trưởng.

Do đó, nếu bó hẹp phạm vi tuyển dụng ( ví dụ chỉ tuyển nam giới ) sẽ là một trong những sai lầm lớn nhất trong quá trình tuyển dụng, không có sự đa dạng các ứng viên, khó lựa chọn.

Ngoài việc tự giới hạn tiềm năng nguồn nhân lực thì sự hạn chế này còn gián tiếp khiến môi trường làm việc trở nên nhàm chán, đơn điệu. Vì vậy, đừng tìm ai đó giống chính xác như bạn hoặc những người còn lại trong doanh nghiệp. Hãy can đảm tìm người khác biệt, mang đến những điều mới, tạo ra sự đột phá lớn cho công ty.

Tuyển dụng dựa trên cảm tính

Tìm thấy một ứng viên tương đồng về tính cách và nhà tuyển dụng nghĩ rằng họ sẽ phù hợp với vị trí đó?

Tất cả chúng ta đều hiểu rõ cần phải tránh phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng và sàng lọc. Nhưng thật không dễ để tránh sự thiên vị vô ý thức. Bạn có thể vô tình làm theo ý mình, theo cảm tính hơn là lý trí khi bạn tìm thấy một người có cùng địa vị, tuổi tác, giới tính hoặc tôn giáo.

Để tránh tình trạng này xảy ra, bạn cần có bản đánh giá ứng viên rõ ràng để cho điểm khách quan.

Hẹn quá nhiều ứng viên một lúc – sai lầm cơ bản trong tuyển dụng

Hẹn quá nhiều ứng viên; dẫn đến ứng viên phải chờ lâu và người phỏng vấn cũng không có thời gian đào sâu về ứng viên. Ứng viên phải chờ lâu, nhiều người sẽ đánh giá nhà tuyển dụng làm việc không chuyên nghiệp. Không hiểu ứng viên thì NTD cũng không đánh giá chính xác được ứng viên. Vì vậy, hãy lên lịch hẹn phỏng vấn thật hợp lý.

Một khoảng thời gian lý tưởng là 1 cuộc phỏng vấn kéo dài từ 30 – 60 phút. Ứng viên cũng không nên để họ chờ quá 10 phút.

Không chuẩn bị trước câu hỏi để phỏng vấn ứng viên

Tuỳ mục đích buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ có những phần cần làm rõ với ứng viên. Việc chuẩn bị trước câu hỏi theo mục tiêu sẽ đảm bảo khai thác hết thông tin của ứng viên. Và cuộc phỏng vấn cũng đỡ mất thời gian của cả 2 bên.

Không làm rõ công việc cho ứng viên

Nhà tuyển dụng không thể cung cấp những thông tin chính về vị trí công việc, chính sách công ty khi ứng viên đặt câu hỏi là một sai lầm vô cùng tệ hại. Ứng viên có thể không biết về vị trí họ ứng tuyển nhưng nhà tuyển dụng thì tuyệt đối không được như vậy. Điều đó sẽ khiến cho ứng viên đánh giá không hay về nhà tuyển dụng và cả công ty. Vì thế, đừng bao giờ mắc phải sai lầm này nhé nhà tuyển dụng.

Tuyển dụng một cách vội vàng

Bộ phận tuyển dụng vì bị áp KPIs hay đơn vị vì quá thiếu người mà chọn bừa nhân sự? Đừng vì điều này mà đốt cháy giai đoạn hay gấp rút ra quyết định. Bởi điều này sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Xem xét hồ sơ, làm việc với các công ty tuyển dụng và trải qua các cuộc phỏng vấn là các bước mà các doanh nghiệp nên tuân thủ.

Nên có 3 ứng viên phỏng vấn tới vòng chuyên môn tại 1 vị trí trước khi ra quyết định.

Không check lại thông tin ứng viên trước khi đưa ra quyết định

Việc trao đổi và thông tin trên CV của ứng viên chỉ là xác nhận 1 chiều. Có những vị trí nhạy cảm, bạn cần phải 100% check lại thông tin của ứng viên. Các thông tin cần kiểm tra: việc tuân thủ nội quy, phong thái làm việc, hiệu quả công việc. Tuyệt vời hơn nếu có cả đánh giá của lãnh đạo quản lý cấp trên.

Đương nhiên, check thông tin cần check nhiều chiều, tránh sai lệch.

Các sai lầm trong tuyển dụng mình đang trình bày theo quy trình tuyển dụng. Hy vọng hỗ trợ được các bạn trong công việc./.

Trang Anh