Mùa thu – mùa tựu trường. Cứ tháng 9, tháng 10 hàng năm, sinh viên lại nô nức trở lại trường. Nhu cầu tìm việc làm thêm càng trở nên mạnh mẽ. Việc làm thêm part-time không chỉ giúp các bạn sinh viên trang trải chi phí học hành. Mà còn giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm. Với sinh viên, tại các thành phố lớn có vô vàn công việc làm thêm giành cho các bạn. Trong một ngày, có hàng ngàn thông tin việc làm được đăng tải trên khắp các website, mạng xã hội. Chưa kể đến các trung tâm giới thiệu việc làm, tờ rơi tuyển dụng… Tuy nhiên, những việc làm thêm nào là chân chính, những việc làm thêm nào là lừa đảo, các bạn sinh viên nên đọc để tránh mắc bẫy. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Nội dung
Top 1 việc làm thêm lừa đảo: Tải app, chơi ứng dụng online kiếm tiền
Không khó để bắt gặp các mẩu tin tuyển dụng trên mạng xã hội: tải app theo yêu cầu, không cần vốn, tải xong app nào được nhận tiền luôn app đó. Sau khi tải các app theo yêu cầu, người dùng sẽ tiếp tục được mời chơi ứng dụng online để kiếm tiền.
Về cơ bản, các ứng dụng kiếm tiền online này đều cùng thủ đoạn sau:
- 03 ngày đầu, người dùng chơi miễn phí và có thể được nhận hoặc rút một khoản tiền nhỏ. Điều này nhằm mục đích khiến người chơi tin tưởng.
- Sau 03 ngày hết miễn phí, các ứng dụng kiếm tiền bắt đầu lừa gạt người chơi vay tiền hoặc bỏ tiền mua các gói đầu tư có giá trị vài triệu, thậm chí là vài chục, vài trăm triệu đồng.
- Người chơi tiếp tục lôi kéo, rủ rê bạn bè, người thân, đồng nghiệp cùng tham gia dưới mô hình đa cấp.
- Cuối cùng, khi nhận thấy “con mồi” không còn khả năng đầu tư, các đối tượng lừa đảo đứng đằng sau đánh sập các app này khiến người dùng không thể rút được tiền ra.
Thủ đoạn lừa đảo này không mới song được thực hiện bởi công nghệ cao, tinh vi và có hệ thống. Nên các đối tượng xấu đã lừa đảo được số lượng lớn con mồi.
Chạy ngay khỏi các công việc yêu cầu đặt cọc hoặc mua sản phẩm mới được làm việc
Có hai kiểu việc làm thêm lừa đảo cực kỳ phổ biến hiện nay. Không chỉ sinh viên mà vô số người đi làm rồi vẫn mắc phải.
Công việc cần phải nạp tiền/chuyển khoản vào tài khoản cho đối tượng khác
Câu chuyện của nạn nhân
Chị Thu, lao động tự do tại chợ Rồng (thành phố Nam Định) kể lại câu chuyện của mình: Thông qua mạng xã hội Facebook, tôi biết đến công việc làm cộng tác viên cho Shopee, từ tài khoản “Thu Thảo” đăng trong nhóm “Việc làm online”. Theo tài khoản này đăng tải hãng này có số lượng đơn hàng lớn, là môi trường lý tưởng để tham gia kinh doanh bán hàng. Với người không có kinh nghiệm, không có vốn thì có thể tham gia dưới hình thức cộng tác viên để kiếm tiền. Cách thức đơn giản, không phải ôm hàng, không cần kinh nghiệm, làm việc tại nhà…
Khi chị Thu đăng ký tham gia làm cộng tác viên, do không phải đóng tiền cọc nên chị càng thêm tin tưởng. Công việc của chị theo hướng dẫn khi tuyển là đặt hàng được chỉ định trên Shopee nhưng không nhận hàng mà chỉ tiến hành chuyển tiền theo giá trị của sản phẩm vào một số tài khoản có sẵn. Sau 5-10 phút, chị sẽ được nhận lại số tiền đã chuyển đó cộng thêm 10% giá trị sản phẩm. Làm được khoảng 1 tuần, mọi việc khá trôi chảy, có vẻ dễ dàng có thu nhập, giá trị sản phẩm được chỉ định mua tăng dần theo thời gian. Đến khi sản phẩm được chỉ định là một chiếc tivi có giá lên tới 32 triệu đồng thì sau khi chuyển khoản như bình thường, chị không nhận lại được tiền và cũng không liên hệ được với tài khoản “Thu Thảo”.
(Nguồn: baonamdinh.com.vn)
Việc làm thêm lừa đảo ở đây là gì?
Câu chuyện của chị Thu chỉ là minh hoạ cho muôn vàn câu chuyện làm thêm lừa đảo thông qua hình thức nạp thẻ. Thường các công việc sẽ là chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo để nhận % hoa hồng. Hoặc mức chiết khấu cho những lần mua hàng tiếp theo. Các bạn sinh viên nên tuyệt đối lưu ý để phòng tránh.
Không “mờ mắt” vì các thông báo công việc mà việc nhẹ lương cao
Nhiều sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên mới lên thành phố lớn rất dễ bị lừa bởi những tin tuyển dụng việc nhẹ lương cao. Bạn nên nhớ rằng không có công việc nào dễ dàng như thế. Mọi người đều phải chăm chỉ và nỗ lực mới có thể nhận lương tương xứng. Lời khuyên ở đây là bạn hãy giữ được sự tỉnh táo trước khi ra quyết định. Tốt nhất là làm những việc mà có mô tả đầy đủ công việc, các yêu cầu và lương thưởng tương đương với mức phổ biến trên thị trường.
Công việc làm thêm phải đóng một khoản phí – dấu hiệu lừa đảo
Một trong những “mánh khóe” mà nhiều kẻ lừa đảo sử dụng nhằm vào sinh viên làm thêm là đưa ra đề nghị làm việc với các điều kiện lý tưởng. Sau đó yêu cầu bạn đóng một khoản tiền nhỏ – thường là vài trăm nghìn. Những lý do được đưa ra là: Phí xin việc, Tiền đồng phục, tiền phí đào tạo sẽ được trả lại sau này, v.v.
Đây là một dấu hiệu lừa đảo mà khi tìm việc làm sinh viên bạn phải nhận biết được. Không có nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, tử tế nào lại bắt ứng viên đóng tiền trước khi đi làm. Ngay khi thấy yêu cầu này thì bạn nên từ chối ngay lập tức.
Việc làm thêm nhập mã code có lừa đảo không?
Công việc nhập mã code trực tuyến là một công việc nằm trong top công việc bị lừa đảo nhiều nhất. Không phải vì không được trả tiền. Mà là vì có những công ty thuê nhập code trực tuyến nhưng với mục tiêu là lừa tiền. Công ty thuê bạn nhập mã code nhưng bắt bạn phải đặt cọc trước rồi mới gửi code, gửi công việc để bạn thực thi. Tuy nhiên những mã code đấy rất khó đọc và khó định dạng. Vì thế bạn không hề hoàn thành xong công việc một cách đúng thời hạn. Và thế là bạn mất tiền đặt cọc và công việc của bạn cũng mất.
Hoặc bắt đầu bạn được giao cho những code dễ và bạn hoàn toàn có thể nhập code. Lúc đó công ty lại đưa ra một hợp đồng thao tác dài hạn. Rồi sau đó, code của bạn được giao khó lên và bạn không thể nào triển khai xong được. Thế là công ty lại đưa hợp đồng ra và bắt bạn phải bồi thường.
Công việc nhập mã code cũng hoàn toàn có thể bị lừa theo kiểu khác. Như : bạn chỉ là nhập mã code vào đâu đó trên máy tính. Nhưng những mã code này được nhập vào ứng dụng phạm pháp mà bạn lại không hề biết. Nếu bị cơ quan công an phát hiện hoặc có trục trặc nào đó thì họ hoàn toàn có thể đổ hết lỗi cho bạn.
Vì thế nên khi lựa chọn làm công việc này bạn phải xem xét thật cẩn trọng. Tìm những công ty lâu năm, uy tín; các công ty đã từng thuê người làm công việc nhập mã code tại nhà để ứng tuyển, xin thao tác.
Không nộp bất kỳ bản gốc giấy tờ tuỳ thân
Đơn vị tuyển dụng có đưa ra bất kỳ lý do gì, là công việc bảo mật/không biết bạn là ai… để thu giấy tờ của bạn. Thì tuyệt đối bạn không nên làm và không nên nộp. Giấy tờ bản sao công chứng hoàn toàn có ý nghĩa về mặt pháp luật. Nên lý do mà người sử dụng lao động đưa ra hoàn toàn là sai. Vì vậy, dù yêu thích công việc này nhưng hãy thật cân nhắc về điều này.
Trên đây chỉ là một vài hình thức việc làm thêm lừa đảo. Thực tế, vẫn còn rất nhiều thủ đoạn lừa đảo khác. Và đa phần không chỉ sinh viên mà cả những người đi làm rồi vẫn bị lừa đảo bởi những lời mời gọi hoa mỹ đầy rẫy trên các web, trang báo, mạng xã hội…
Kết: Sinh viên cần trang bị kiến thức cho mình để tránh các công việc làm thêm lừa đảo
Vậy, trước tình trạng “thật giả lẫn lộn” này, cần lưu ý gì để không bị sập bẫy lừa đảo?
- Tự trang bị cho mình những hiểu biết về các thủ đoạn lừa đảo đang diễn ra phổ biến. Tìm hiểu có thể thông qua sách báo, ti vi, mạng xã hội,….
- Tỉnh táo trước những tin tuyển có “cú pháp” quen thuộc. Đó là các tin tuyển dụng: “Chỉ có tải app thôi và ăn 300 – 500k mỗi ngày; công việc tải app không yêu cầu kinh nghiệm, làm việc tại nhà, chỉ cần có điện thoại và tài khoản ngân hàng;…”
- Lưu ý về một số dấu hiệu của các tin tuyển dụng công việc có tính chất lừa đảo:
+ Tài khoản đăng tin tuyển dụng lừa đảo trên Facebook thường là các nick ảo, ít tương tác;
+ Các đường link tải app thường có những ký hiệu lạ;
+ Tên app lừa đảo sẽ được viết nhái lại theo tên của các ứng dụng uy tín nhưng bị bỏ bớt hoặc thêm bớt chữ cái
+ Khi truy cập vào đường link thường hiện ra các mã lạ…
- Không cung cấp tài khoản ngân hàng, mã OTP, số/ảnh chụp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân…
- Ngay khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được hỗ trợ.
Chúc các bạn sinh viên bắt đầu một năm học mới với những công việc làm thêm phù hợp!
Trang Anh